Đạo Phật Khất sĩ
Các tổ chức Đạo Phật KHẤT SĨ miền nam Việt nam.
1- Tăng già Khất Sĩ của Tổ Sư Minh Đăng Quang
- Quá trình hình thành (từ năm1944- 1954)
- Giai đoạn phát triển (từ năm 1955- 2022)
- Thời kỳ hoằng pháp, thành lập giáo đoàn (1955- 1975)
- Thời kỳ trụ xứ tu tập và hòa hợp Giáo Hội (1976- 2022).
2- Khất Sĩ của Đại Sư Huệ Nhựt (Khất Sĩ Đại Thừa)
- Giai đoạn suy vi: 1950- 1989
- Giai đoạn củng cố và phát triển: 1990- 2020.
3- Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại chùa Linh sơn cổ tự ở núi Dinh do Hòa Thượng
Thiện Phước (biệt hiệu Mẫu Trầu) sáng lập.
- Quá trình hình thành (1957- 1986)
- Thời kỳ phát triển (1986- 2022).
4- Khất Sĩ Sơn Tăng của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh thành lập.
- Sơ khởi 1960- 1963
- Giai đoạn 1: 1963- 1975
- Giai đoạn 2: 1975- 2022
5- Khất Sĩ Tu Tịnh của Hòa Thượng (HT)Từ Huệ, Trưởng Lão (TL) Giác Bảo
- Hoạt động hoằng pháp từ năm 1975- 2022.
Khi nói về Đạo Phật Khất sĩ Việt nam thì người ta nghĩ ngay là Hệ phái Tăng già Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vì thành lập sớm nhất, phát triển rộng khắp và lan tỏa nhiều nhất.
Mặc dù xuất hiện khá muộn, nhưng Đạo Phật Tăng già Khất Sĩ Việt Nam vẫn phát triển và hiện nay đã trở thành một hệ phái Phật giáo có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra có mặt ở hải ngoại.
Sáng lập Đạo Phật Tăng già Khất Sĩ Việt Nam là ngài Minh Đăng Quang, được nguời đời sau tôn xưng là Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sinh năm 1923 tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, con út của cụ Nguyễn Tồn Hiếu (1894-1968) và cụ bà Phạm Thị Tỵ tự Nhàn (1892-1924).
Từ nhỏ, ngài đã sớm biết chuyên tâm niệm Phật hàng ngày và ăn chay mỗi tháng mười ngày theo gương cha.
Khi đi học, ngài lấy tên Lý Hườn. Tốt nghiệp bằng Sơ học của Pháp năm 13 tuổi, ngài không muốn học tiếp mà xin gia đình cho đi tu nhưng không được chấp thuận.
Năm 1937, ngài rời nhà tìm thầy học đạo trên đất Campuchia. Ở đó, ngài được giới thiệu đến các chùa theo Phật giáo Nguyên thủy để học tiếng Khmer và đọc kinh Phật.
Cuối năm 1941, ngài trở về Vĩnh Long rồi lên Sài Gòn làm việc.
Vào năm 1943, ngài quyết chí lên vùng núi Thất Sơn ẩn tu. Trong năm 1944, ngài đến Mũi Nai ở Hà Tiên nhập định miên mật trong bảy ngày đêm và ngộ đạo tại nơi đây.
Tuy nhiên giai đoạn tu học của Ngài vẫn còn đang bỏ ngỏ vì môn đồ đến nay vẫn chưa thống nhất là Ngài tu học ở núi hay tại thế.
Trong hai năm, từ 1944 đến 1946, ngài được một thiện nam thỉnh về ẩn tu tại chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho.
Để mở rộng việc truyền bá tư tưởng, ngài soạn bộ Chơn Lý gồm 69 tập, mở ra nhà in Pháp Ấn đặt tại Tịnh xá Ngọc Viên ở Vĩnh Long chuyên in các tập Chơn Lý do chính ngài sáng tác.
Với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang gìn giữ truyền thống mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã vạch. Ngài dung hợp mọi tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Ngài đã thành tựu và lưu truyền cho hậu thế một dòng truyền thừa với ba pháp yếu quan trọng sau đây:
1. Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia.
2. Sự tinh tấn trong tu tập.
3. Tinh thần hoằng hóa độ sinh.
Giáo pháp Tăng già Khất Sĩ nêu cao việc quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hành Giới-Định-Tuệ. Đối với đời sống cộng đồng, người Khất sĩ cộng trú tu học trong những ngôi già-lam tịnh xá.
Tổ sư nêu lên phương châm nên tập sống chung tu học:
- Cái SỐNG là phải sống chung.
- Cái BIẾT là phải học chung.
- Cái LINH là phải tu chung.
Biểu tượng Hoa sen và Ngọn đèn Chơn lý chính là lý tưởng của Tổ sư về một quốc độ có một cuộc sống an vui thuần thiện của tất cả mọi người; trong đó người tu phải thể hiện một đời sống nghiêm tịnh thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.
Tổ sư Minh Đăng Quang còn nêu lên một điều rất đặc biệt mà ít người lưu ý rằng “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”. Chính vì thế, giáo pháp của Ngài thể hiện rõ tư tưởng Đại thừa trong khi xiển dương việc thực hành một phần công hạnh của Phật giáo Nguyên thủy.
Khác với Phật giáo Nam tông, thay vì dùng Tam tịnh nhục, Ngài chủ trương ăn chay, mở rộng tinh thần từ bi và sử dụng kinh điển Đại thừa như kinh Kim cương, Hoa nghiêm, Bát-nhã, Pháp hoa, Địa Tạng… trong việc truyền bá giáo lý của Đức Phật, đời sau dịch ra thành kệ đọc tụng có vần.
Xuất thân ở Nam Bộ, Ngài Minh Đăng Quang có phương pháp truyền đạo phù hợp với tâm lý người Nam Bộ, thuyết giảng Phật pháp bằng những hình ảnh sống động, sử dụng ngôn từ dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người.
Tuy sử dụng ngôn ngữ bình dân, Ngài vẫn có những lập luận sâu sắc, thể hiện một trình độ chứng ngộ cao vời, khiến ngay cả những vị trí thức lớn tuổi cũng tâm cảm đón nhận quy kính.
Hình ảnh các vị Khất Sĩ khiêm cung đi xin ăn tu học đã khắc sâu vào lòng người dân niềm kính phục khiến họ quy ngưỡng. Từ đó, những ngôi tịnh xá hình bát giác lần lượt được dựng lên bởi các vị đệ tử tại gia của Tổ sư Minh Đăng Quang để các vị Khất Sĩ tạm trú hành đạo khắp các tỉnh thành.
Ngày mùng 1 tháng Hai năm Giáp Ngọ (5-3-1954), Tổ sư Minh Đăng Quang đi Vĩnh Long và Cần Thơ. Khi đến bến phà Cái Vồn, ngài được mời gặp tướng Năm Lửa Trần Văn Soái. Kể từ đó, hầu như không ai còn được thấy hành tung của Ngài.
Như vậy, Ngài Minh Đăng Quang đã có mặt ở trần thế 32 năm, hành đạo suốt mười năm (từ 1944 đến 1954) và nỗ lực nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca được bảy năm (1947-1954). Về sau, hàng môn đồ đã chọn ngày mùng 1 tháng Hai âm lịch để tưởng niệm sự kiện ân sư vắng bóng. Tuy thời gian hành đạo và hoằng pháp của Ngài quá ngắn nhưng Tổ sư đã để lại cho đời hơn 100 vị Tăng Ni đệ tử tiếp nhận chân truyền tư tưởng của Đạo Phật Tăng già Khất Sĩ Việt nam cùng với hơn hai chục ngôi tịnh xá rải rác khắp miền Nam Việt Nam làm cơ sở hành đạo và một bộ Chơn Lý gồm 69 bài luận thuyết minh giáo pháp...
Sau khi tôn sư vắng bóng thì do trưởng lão Giác chánh lãnh đạo, rồi theo thờii gian thành lập các giáo đoàn đi hoằng Pháp.
Giáo đoàn Tăng thứ Nhất do Trưởng Lão Giác Chánh lãnh đạo, lấy Tịnh Xá Ngọc Viên trong tỉnh Vĩnh Long làm trụ sở .
Giáo đoàn thứ hai do Trưởng Lão Giác Tánh lãnh đạo, lấy Tịnh Xá Ngọc Trang trong Tp. Nha Trang làm trụ sở .
Giáo đoàn thứ ba do Trưởng Lão Giác An lãnh đạo, lấy Tịnh Xá Ngọc Tòng trong tỉnh Khánh hòa làm trụ sở .
Giáo đoàn thứ tư do Pháp Sư Giác Nhiên lãnh đạo, lấy Pháp Viện Minh Đăng Quang trong Tp. Biên Hòa làm trụ sở .
Giáo đoàn thứ năm do Trưởng Lão Giác Lý lãnh đạo, lấy Tịnh Xá Trung Tâm ở Sài Gòn làm trụ sở.
Giáo đoàn thứ sáu do Trưởng Lão Giác Huệ lãnh đạo, lấy Giảng Đường Lộc Uyển ở Sài Gòn làm trụ sở .
Riêng phái nữ có Ni trưởng Huỳnh Liên lãnh đạo tại tịnh xá Ngọc Phương tp.Hồ chí Minh.
Sau năm 1975 vào tháng 11 năm 1981 Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ I, diễn ra tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.
Từ đây, 9 tổ chức hệ phái gồm: Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán Tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ cùng Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thành lập nên Giáo hội PGVN ngày nay.
sưu tầm tư liệu tham khảo